Những điều bạn cần biết về virus Zika


Feb 24, 2016

Những điều bạn cần biết về virus Zika

Virus Zika là loại bệnh lây truyền do muỗi có liên quan đến bệnh sốt xuất huyết, sốt vàng da và virus West Nile. Được phát hiện lần đầu tiên trong rừng Zika ở Uganda vào năm 1947, virus Zika phổ biến ở châu Phi và châu Á. Tuy nhiên, virus này vẫn chưa bắt đầu lan truyền rộng rãi ở Tây bán cầu cho đến tháng 5 năm 2015 vừa rồi, khi một ổ dịch bùng phát tại Brazil.

Virus Zika không gây hại nhiều cho người trưởng thành. Phần lớn người bị nhiễm bệnh không có triệu chứng, và những người bị triệu chứng sốt hay phát ban đỏ thường hồi phục trong vòng một vài ngày. Điều đáng báo động là nó dẫn tới các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng về thần kinh được gọi là bệnh đầu nhỏ, khi đó những em bé được sinh ra sẽ bị tật đầu nhỏ và có bộ não chậm phát triển. Mới gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố tình trạng y tế công cộng quốc tế khẩn cấp về loại virus này.

Virus Zika và Việc mang thai

Nhiễm virus Zika ở phụ nữ mang thai dẫn đến việc một số em bé được sinh ra với tật đầu nhỏ. Mặc dù mối liên quan giữa virus Zika và bào thai bị dị tật chưa được các nghiên cứu xác nhận, phụ nữ mang thai hoặc những người chuẩn bị mang thai được khuyến khích xem xét hoãn lại việc đi đến các vùng bị ảnh hưởng bởi virus Zika.

Sự truyền bệnh

Giống như một số bệnh khác như sốt xuất huyết và sốt chikungunya cũng được lan truyền bởi muỗi, virus Zika lan truyền qua vết đốt của loài muỗi Aedes. Muỗi bị nhiễm bệnh khi chúng cắn người có mang virus, và sau đó có khả năng lây lan bệnh sang những người dễ mắc bệnh xung quanh. Khoảng từ 20 đến 25 phần trăm những người bị nhiễm bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng. (CDC, 2016)

  • Muỗi truyền bệnh chikungunya, sốt xuất huyết, và Zika là những con muỗi tích cực kiếm ăn ban ngày. Chúng cũng có thể cắn người vào ban đêm.
  • Muỗi bị nhiễm bệnh khi chúng cắn một người đã bị nhiễm virus. Sau đó con muỗi bị nhiễm có thể phát tán virus cho người khác thông qua các vết đốt.
  • Một người mẹ bị nhiễm virus Zika gần thời gian sinh nở có thể truyền virus sang đứa trẻ sơ sinh trong khoảng thời gian sinh con, nhưng điều này là rất hiếm.
  • Đã có những báo cáo về sự lây lan của virus thông qua truyền máu và quan hệ tình dục

Chẩn đoán bệnh

  • Các triệu chứng của bệnh Zika cũng tương tự như của bệnh sốt xuất huyết và sốt chikungunya, các căn bệnh lây lan qua cùng loài muỗi truyền virus Zika.
  • Các xét nghiệm máu đặc biệt có thể được thực hiện để tìm virus Zika hoặc các virus tương tự khác như sốt xuất huyết và chikungunya.

Triệu chứng

Các triệu chứng điển hình thường kéo dài từ hai đến bảy ngày. Các biến chứng rất hiếm, nhưng một số trường hợp phải nhập viện để được chăm sóc hỗ trợ. Theo như chúng tôi được biết, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo là hậu quả của việc nhiễm virus Zika. (CDC, 2016)

  • Các triệu chứng phổ biến nhất của virus Zika là sốt, phát ban, đau khớp, hoặc viêm kết mạc (đau mắt đỏ). Những triệu chứng khác bao gồm đau cơ và đau đầu. Thời kỳ ủ bệnh (thời gian từ khi phơi nhiễm đến khi xuất hiện các triệu chứng) của virus Zika không được biết chính xác, nhưng có khả năng là từ một vài ngày đến một tuần.
  • Nhiễm bệnh thường nhẹ với các triệu chứng kéo dài trong vài ngày đến một tuần.
  • Bệnh nhân thường không ốm đủ nặng để đi đến bệnh viện, và rất hiếm có trường hợp tử vong bởi virus Zika.

Điều trị

Không có thuốc tiêm chủng ngừa hoặc thuốc điều trị loại virus này. Tuy nhiên, các bước sau đây sẽ giúp bạn vượt qua căn bệnh này:

  • Nghỉ ngơi nhiều
  • Uống nhiều nước để đề phòng mất nước.
  • Uống các loại thuốc như acetaminophen (Tylenol®) để giảm sốt và giảm đau.
  • Không nên dùng aspirin và các thuốc chống viêm không chứa steroid khác.
  • Nếu bạn đang dùng thuốc để điều trị những bệnh khác, cần được tư vấn bởi bác sĩ trước khi dùng thuốc bổ sung.

Nếu bạn bị nhiễm virus Zika, cần tránh bị muỗi đốt trong tuần đầu tiên bị nhiễm bệnh.

  • Trong tuần đầu tiên bị nhiễm bệnh, virus Zika có thể được tìm thấy trong máu và sẽ lây truyền từ người bệnh sang muỗi qua máu do bị muỗi cắn.
  • Sau đó con muỗi bị nhiễm bệnh có thể lây lan virus cho người khác.

Phòng ngừa

Hiện tại chưa có thuốc tiêm chủng ngừa loại virus này, vì vậy tất cả các biện pháp phòng ngừa cần được tập trung vào việc ngăn ngừa muỗi cắn.

Muỗi Aedes thường đẻ trứng ở trong và gần nơi chứa nước đọng trong những đồ vật như xô, bát, đĩa đựng thức ăn của động vật, chậu và bình hoa. Nơi sinh sản của muỗi là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với việc lây nhiễm virus Zika. Phòng ngừa và kiểm soát bệnh dựa trên việc giảm bớt muỗi bằng cách tiêu diệt nguồn sinh sản của muỗi và giảm việc tiếp xúc giữa muỗi và con người. (CDC, 2016

Các bước sau đây có thể giúp bảo vệ bạn khỏi virus Zika và ngăn chặn sự lây lan của nó

  • Loại bỏ, làm sạch hoặc đậy kín những vật có thể chứa nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe để loại bỏ nơi muỗi sinh sản.
  • Mặc quần áo dài tay để che cơ thể càng nhiều càng tốt (tốt nhất là quần áo sáng màu).
  • Sống ở những nơi có điều hòa không khí hoặc những nơi có lưới chắn cửa sổ và cửa ra vào.
  • Sử dụng thuốc đuổi côn trùng đã đăng ký với Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA). Khi sử dụng theo chỉ dẫn, thuốc đuổi côn trùng đã đăng ký với EPA được chứng minh là an toàn và hiệu quả, ngay cả đối với phụ nữ mang thai và đang cho con bú.
  • Xử lý quần áo và đồ dùng với permethrin hoặc mua các sản phẩm đã được xử lý permethrin

Nghiên cứu sản xuất thuốc tiêm chủng ngừa

Các nghiên cứu đang được tiến hành để phát triển một loại vắc-xin, các chuyên gia y tế cho biết nó có thể mất vài năm - thậm chí là cả một thập kỷ - trước khi một sản phẩm có hiệu quả được sản xuất đại trà. Bên cạnh thực tế là vẫn còn nhiều điều cần phải nghiên cứu thêm về loại virus này, thuốc tiêm chủng ngừa phải vượt qua các kiểm tra nghiêm ngặt để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của nó.

 

Hiện nay đang có một cuộc chạy đua để phát triển một loại vắc-xin cho virus này. Các công ty toàn cầu bao gồm Sanofi của Pháp, GlaxoSmithKline của London và Takeda của Nhật Bản đã bắt đầu các nghiên cứu của họ. Tuy nhiên, một công ty của Ấn Độ, Bharat Biotech tuyên bố rằng họ có thể đã phát triển một loại vắc-xin cho virus Zika. Bharat Biotech là công ty đầu tiên nộp bằng sáng chế cho một loại vắc-xin ngừa virus Zika, mà hiện nay đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng khi mà công ty này chuẩn bị cho thử nghiệm trên động vật.

 

Theo Công ty Bharat Biotech, có hai cách để ngăn chặn virus Zika

Vắc-xin hoạt động bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch của bệnh nhân với một phiên bản bệnh yếu hơn, giúp cơ thể sẵn sàng để bảo vệ trước các cuộc tấn công bởi sự lây lan thực. Bharat Biotech có hai loại vắc-xin ứng cử.

 

Loại vắc-xin thứ nhất sử dụng các sợi DNA của virus Zika. Trong khi những vắc-xin DNA tái tổ hợp được tạo ra dễ dàng hơn, chúng thường không tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh.

 

Loại thứ hai là một phiên bản khử hoạt tính của virus Zika, nghĩa là virus này là không thể tái tạo và gây nhiễm, nhưng nó vẫn có thể kích hoạt một phản ứng miễn dịch. Các chuyên gia tin rằng loại vắc-xin này sẽ có cơ hội thành công cao hơn.

 

Hiện vẫn chưa rõ là các loại vắc-xin của Bharat có thành công hay không và khi nào sẽ tung ra thị trường. Thử nghiệm trên động vật được dự kiến sẽ mất khoảng năm tháng, và sau đó chúng cần phải được thử nghiệm trên cơ thể người. (Karnik, 2016)

 

Những trợ giúp từ phía chính phủ Ấn Độ và Tổ chức Y tế Thế giới là cần thiết để đẩy nhanh quá trình này.

Tài liệu tham khảo:

Madhura Karnik., An Indian biotech company has been developing Zika vaccines for over a year. Quartz India. Available from: http://qz.com/609291/this-indian-biotech-firm-is-the-worlds-first-to-ready-a-zika-vaccine-for-testing/ [Accessed February 11, 2016].

 

Donald G. McNeil Jr.Catherine Saint Louis and Nicholas St. Fleur., Short Answers to Hard Questions About Zika Virus. The New York Times Available from: http://www.nytimes.com/interactive/2016/health/what-is-zika-virus.html#id-569abb4663701c0001000001. [Accessed February 11, 2016].

World Health Organization. Zika Virus. Available from:http://www.who.int/mediacentre/factsheets/zika/en/. [Accessed February 11, 2016].

Centers for Disease Control and Prevention, Zika Virus SymptomsAvailable from:http://www.cdc.gov/zika/symptoms/index.html. [Accessed February 11, 2016].

Centers for Disease Control and Prevention, Zika Virus PreventionAvailable from:http://www.cdc.gov/zika/prevention/index.html [Accessed February 11, 2016].

Centers for Disease Control and Prevention, Zika Virus TransmissionAvailable from:http://www.cdc.gov/zika/transmission/index.html. [Accessed February 11, 2016].